SKĐS – Trả lời báo chí chiều 15/12, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, khi nhận được vaccine tới đây, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở y tế, điểm tiêm trong hệ thống tiêm chủng mở rộng nỗ lực tiêm chủng để bù lại thiếu hụt thời gian qua…
Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức chiều 15/12, TS Hà Anh Đức – Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng cho hay trong năm qua, Bộ Y tế đã nỗ lực, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, đã đạt được một số kết quả.
Thứ nhất, Bộ Y tế đã ban hành, tham mưu ban hành nhiều văn bản chính sách tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành;
Thứ hai, công tác khám chữa bệnh đã quay trở lại trạng thái trước phòng chống dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; Nhiều kỹ thuật cao đã được ứng dụng trong khám chữa bệnh.
Thứ ba, công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai chủ động trên nhiều phương diện.
Tuy nhiên, theo TS Hà Anh Đức, ngành y tế cũng còn một số khó khăn như vẫn còn tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng; đây đó vẫn còn khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… vấn đề thanh toán chi phí khám chữa bệnh của các cơ sở y tế…
Nỗ lực tìm nguồn vaccine 5 trong 1 viện trợ để tiêm chủng cho trẻ
Tại buổi họp báo, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Số loại vaccine tăng dần theo thời gian, từ 6 vaccine thiết yếu năm 1985 tới nay đã có 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được sử dụng vaccine miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai được triển khai trong tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc bao gồm vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản.
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, tháng 8/2023, Bộ Y tế mới được cấp kinh phí để mua vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Thực tiễn, chúng tôi đã có kế hoạch cung ứng vaccine từ năm 2022, cho nên số vaccine được gối đầu sang năm 2023. Chúng ta thiếu vaccine 5 trong 1 từ tháng 2, thiếu vaccine DPT tiêm nhắc lại phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván (thời điểm 18-24 tháng). Hầu hết vaccine còn lại được cung ứng đến tháng 10”- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Bà Hồng cũng cho hay, hiện nay chúng tôi ghi nhận tình trạng thiếu vaccine hầu hết ở trên quy mô toàn quốc. Để sớm bảo vệ các trẻ phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là vaccine 5 trong 1, Bộ Y tế đã nỗ lực để vận động các nguồn tài trợ.
Tháng 7, Bộ đã đã nhận được hơn 250.000 liều, tối nay tiếp tục nhận 490.600 liều vaccine 5 trong 1. Các vaccine nhận viện trợ có chỉ định để tiêm chủng cho các trẻ cho đến 18 tháng tuổi nên chúng ta hoàn toàn triển khai sớm cho các cháu.
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, để có vaccine phục vụ tiêm chủng cho trẻ nhằm bảo vệ trẻ, Bộ Y tế đã nỗ lực vận động các nhà tài trợ, từ tháng 7/2023, Bộ Y tế đã vận đông các nhà tài trợ trong nước và quốc tế được 258.000 liều. Bộ Y tế đã phân bổ để phục vụ công tác tiêm chủng từ tháng 8/2023; tiếp đó hôm nay – 15/12, số vaccine 5 trong 1 gồm 490.600 liều do Chính phủ Úc viện trợ về đến Việt Nam.
Việc phân bổ vaccine được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Thứ nhất, ưu tiên vaccine được phân bổ để tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1. Ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi.
Thứ hai, tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa đuợc tiêm đủ 3 mũi vacine 5 trong 1 bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi ( việc này hoàn toàn nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất) để trẻ phòng chống 5 bệnh truyền nhiễm.
“Với số lượng vaccine 5 trong 1 trước đó cũng như vaccine được chính phủ Úc hỗ trợ, các địa phương sẽ triển khai theo thứ tự ưu tiên nêu trên và Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ cấp vaccine phù hợp với số đối tượng trẻ tại các tỉnh/thành phố. Vaccine sẽ được cung ứng tới 63 tỉnh/thành phố. Ưu tiên tăng cường tỷ lệ cung ứng vaccine cho các địa phương miền núi, vùng khó khăn để đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine cho trẻ” – PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Theo dõi quản lý đối tượng tiêm chủng để ngay sau khi được cấp vaccine sẽ tiến hành tiêm bù, tiêm vét
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, hầu hết các vaccine tiêm chủng mở rộng là vaccine sản xuất trong nước. Theo quy định hiện hành phải trải qua rất nhiều bước, quy trình (9 bước). Bộ Y tế, Bộ Tài chính đang phối hợp rất chặt chẽ để giải quyết phần thủ tục, ngay sau khi có giá vaccine, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ khẩn trương ký các hợp đồng cung ứng vaccine. Hiện nay, các nhà sản xuất trong nước đã có cơ số vaccine nhất định để giao ngay cho Viện khi hoàn tất các thủ tục tài chính.
“Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quý 1/2024 để có thể bao phủ lại tỷ lệ tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, duy trì thành quả chúng đã dày công vừa xây đắp, vừa duy trì trong rất nhiều năm vừa qua. Năm 2023 với nghị quyết vô cùng quan trọng dành kinh phí cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng”, PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
PGS.TS Dương Thị Hồng cũng cho hay “thời gian qua dù có hiện tượng thiếu vaccine, chúng tôi luôn luôn khuyến cáo các bà mẹ cần đưa con đi tiêm chủng vaccine có thành phần gần như vaccine 5 trong 1. Tỷ lệ tiêm chủng 10 tháng đầu năm đạt 75%, thiếu khoảng hơn 10% so với dự kiến (Với tỉ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 đạt 52.6%), do đó khi nhận được vaccine tới đây, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở y tế, điểm tiêm trong hệ thống tiêm chủng mở rộng nỗ lực tiêm chủng để bù lại thiếu hụt thời gian qua”.
Trả lời câu hỏi về việc trẻ thiếu hụt tiêm vaccine, tiêm chậm, muộn sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ? PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, chúng ta không mong muốn việc thiếu hụt vaccine tiêm chủng cho trẻ. Do đó, khuyến cáo các đơn vị quản lý đối tượng tiêm chủng, giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng, hướng dẫn các đơn vị điều trị tăng cường tiếp nhận khám trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp xử lý kịp thời.
Sửa Nghị định 104 theo hướng bố trí kinh phí của trung ương để mua vaccine
Cũng về vấn đề vaccine tiêm chủng mở rộng, TS Hoàng Minh Đức – Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, giai đoạn năm 2016-2022, Chương trình tiêm mở rộng được bố trí kinh phí mua vaccine từ nguồn Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài nguồn mua vaccine theo hình thức hoạt động của Dự án, vaccine được hỗ trợ từ Tổ chức GAVI và các tổ chức nước ngoài khác viện trợ.
Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ nguồn lực từ GAVI và các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch cách thức hỗ trợ do Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp, kinh tế kém phát triển, một số loại vaccine viện trợ cần phải đối ứng sau khi tiếp nhận.
Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai…
Trước yêu cầu thực tiễn, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, hiện tại Nghị định sẽ sửa đổi theo hướng bố trí kinh phí của Trung ương để mua vaccine.
Song song với các giải pháp về pháp lý (trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 104/2016/NĐ-CP), thực hiện nghiêm quy định của Pháp luật về mua sắm, đầu thầu vaccine, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp Bộ, ban ngành liên quan, đẩy mạnh hợp tác, đề xuất hỗ trợ, viện trợ với các Tổ chức Quốc tế trong và ngoài nước để cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng – trên thực tế thời gian qua, chúng ta đã nhận được gần 758.000 liều vaccine 5 trong 1.