Cẩn thận với kiến ba khoang

(Baoquangngai.vn)- Hiện đang là mùa mưa, mùa sinh sản của kiến ba khoang. Tại các phòng khám chuyên da liễu, bệnh nhân đến khám, chữa trị vết thương do tiếp xúc với chất độc trong cơ thể của kiến ba khoang rất đông.
Bệnh nhân tăng gấp 3 lần ngày thường
Ba tháng qua, tại các phòng khám da liễu, rất đông bệnh nhân đến khám và điều trị do tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang. Chị Lê Thị Minh Tâm, ở xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) đưa con trai 3 tháng tuổi đến khám tại một phòng khám trên đường Ngô Quyền cho biết, thấy phần da dưới bụng của con nổi mụn, phồng rộp rồi lở loét, nghi ngờ con bị bệnh zona, chị mua thuốc tự điều trị cho con nhưng vết thương ngày càng nặng hơn. Con khó chịu, quấy khóc suốt đêm nên vợ chồng chị đưa con đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám mới biết con tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang.
Da trẻ bị nổi mụn, phồng rộp, lở loét do tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang.
Da trẻ bị nổi mụn, phồng rộp, lở loét do tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang.

Sau một đêm ngủ dậy, con gái 3 tuổi của chị Đỗ Tuyết Hoàng, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) cũng bị nổi mụn đỏ, phồng rộp ở khắp cánh tay, chân, vùng da bị tổn thương lan rộng rất nhanh. Đây là lần thứ hai, chị đưa con gái đến phòng khám da liễu và được bác sĩ chẩn đoán là do tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang. Theo các phòng khám chuyên da liễu, từ tháng 7 đến nay, số bệnh nhân đến khám và điều trị do tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang tăng gấp 3 lần so với ngày thường.

Không nên tự điều trị
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, hay còn gọi là kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong… Loài kiến này có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có đốt màu đen, đỏ hoặc cam. Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa. Loài kiến này bay và chạy rất nhanh, ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào nhà.
Kiến ba khoang. Ảnh: Internet.
Kiến ba khoang. Ảnh: Internet.

Kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm. Trong cơ thể chúng có chứa độc tố Pederin (chất độc gây rộp, phỏng da), độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ. Khi vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể của kiến, người bệnh sẽ bị tổn thương da.

Bác sĩ Phạm Thị Tiết – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, khi tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang, ban đầu người bệnh cảm thấy ngứa, rát, căng da, đỏ một vùng da. Sau 6 – 12 giờ thì vùng da này nổi lên thành vệt và nổi những mụn nước to, nhỏ không đều nhau rồi chuyển sang mưng mủ. Khi ấy người bệnh có cảm giác đau, rát ngày càng tăng, có thể kèm theo sốt, khó chịu…
Nhiều người nhầm tưởng mắc bệnh zona nên sử dụng thuốc Acyclovir để bôi và uống. Điều này làm cho vùng da bị tổn thương lan rộng hơn. Một số bệnh nhân do ngứa, khó chịu nên cào gãi khiến vùng da bị tổn thương càng nghiêm trọng hơn.
Người bệnh cần đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Người bệnh cần đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

“Nhiều người tự mua thuốc trị bệnh zona về bôi lên vết thương làm cho chất tiết ngấm sâu hơn trong da khiến bệnh nặng hơn. Bệnh nhân nên đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên da liễu để khám, điều trị đúng cách. Nếu điều trị không đúng cách, sau khi khỏi bệnh để lại hậu quả thường gặp là xuất hiện chàm ngứa dễ dẫn đến chàm mãn tính”, bác sĩ Tiết khuyến cáo.

Chất độc trong kiến ba khoang rất mạnh, do đó mọi người nên tránh tiếp xúc với loại côn trùng này. Tuyệt đối không nên dùng tay để bắt, giết kiến ba khoang. Trong trường hợp không may tiếp xúc với kiến ba khoang cần rửa sạch vùng da vừa tiếp xúc với kiến bằng nước sạch, nước muối sinh lý, xà phòng hoặc cồn để trung hòa hoặc giảm bớt độc tố thẩm thấu vào da.
Để phòng ngừa tiếp xúc với kiến ba khoang, mọi người nên thường xuyên đóng cửa sổ; giữ sạch môi trường xung quanh nhà, phát quang bụi rậm và cây cỏ; mắc màn khi ngủ để tránh tiếp xúc với côn trùng.
Theo baoquangngai.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button